Tiểu sử Lục_Du

Lục Du là người Sơn Âm; nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề nông khá giả, có nề nếp văn chương, qua các triều đại đều có người ra làm quan.

Sinh trưởng trong thời loạn

Ông sinh ra và lớn lên đúng vào lúc vương triều Bắc Tống suy vi. Năm ông 2 tuổi, quân Kim đánh phá Biện Kinh (tức Khai Phong), cha ông là Lục Tể (một nhân sĩ yêu nước) phải mang ông đi tản cư ở Thọ Xuân (nay là huyện Thọ, tỉnh An Huy) một thời gian.

Năm 20 tuổi, ông kết hôn với Đường Uyển, con gái người cậu. Vợ chồng rất thương yêu nhau, nhưng vì mẹ ông không thích con dâu, nên bắt hai người phải xa nhau. Sau khi ly hôn, Lục Du rất đau khổ, từng làm nhiều bài thơ nói về mối tình trắc trở và ngắn ngủi này. Mãi đến năm 75 tuổi (khi này Đường Uyển đã mất), ông vẫn còn làm bài thơ Thẩm viên (沈園, Vườn Thẩm) để tưởng nhớ đến người xưa.

Năm 1153, đời vua Tống Cao Tông (ở ngôi: 1127-1162), Lục Du lúc bấy giờ đã 29 tuổi, sau một thời gian dùi mài kinh sử với Tăng Kỳ (một nhà thơ yêu nước), ông đến Hàng Châu (kinh đô nhà Nam Tống) thi và đỗ Tiến sĩ.

Thăng trầm nghiệp quan

Nhưng vì đỗ cao hơn cháu Tần Cối (1090-1155, làm quan trải đến chức Thừa tướng nhà Nam Tống), và còn vì "hay bàn chuyện chống Kim phục quốc", nên đã bị Tần Cối ganh ghét tìm cách truất đi.

Năm 1155, Tần Cối chết, Lục Du mới được bổ dùng. Năm 1163, ông tham gia cuộc Bắc phạt của Trương Tuấn. Cuộc đánh đuổi ngoại xâm thất bại, Lục Du bị phái "cầu hòa" gán cho tội "kết giao với gián quan, đặt điều thị phi, cố xúi Trương Tuấn dụng binh", bị cách chức cho về quê [1].

Nhàn rỗi được 5 năm bên Kính Hồ ở Sơn Âm, sau nhiều lần viết thư xin phục chức, ông được bổ làm Thông phán, một chức quan nhỏ ở Quỳ Châu.

Năm 1172, ông được Tuyên phủ sứ Tứ Xuyên-Thiểm Tây là Vương Viêm mời đến giúp việc quân vụ. Sống trong quân đội, lại thường rong ruổi ở vùng Nam Trịnh (Hán Trung), đã "làm cho hoài bão của nhà thơ thêm mở rộng cánh"[1].

Năm 1175, đời vua Tống Hiếu Tông (ở ngôi: 1163-1189), một bạn thơ của Lục Du là Phạm Thành Đại nhận lệnh đi trấn đất Thục, ông được bạn mời theo giữ chức Tham nghị. Mấy năm ở đây, ông có cuộc sống khá phóng túng, bởi không bị ràng buộc về lễ nghi (vì là bạn thân với quan trên), lại thường mượn rượu giải sầu, tự đặt hiệu là Phóng Ông. Tất cả đã làm cho một số đồng liêu bất mãn, nói rằng ông "không giữ lễ, chỉ mượn rượu làm càn". Song nhờ đến đây mà ông viết nhiều, sau gom thành tập Kiếm Nam thi thảo (Bản thảo thơ làm ở Kiếm Nam).

Năm 1178, Lục Du rời đất Thục đi về miền Đông, làm một viên quan địa phương ở Giang Tây. Được một thời gian, thì bị bãi chức vì tội "lạm quyền" khi tự ý mở kho thóc cứu dân nghèo [1].

Về ở quê (Sơn Âm) khoảng 6 năm, Lục Du được bổ làm Tri sự Nghiêm Châu. Nhưng vì một mực theo đuổi chủ trương "chống Kim phục quốc" nên lại bị triều đình "cầu hòa" cho bãi chức.

Khi Tể tướng Hàn Thác Trụ lên nắm quyền, cho chiêu tập những nhân sĩ yêu nước. Lục Du có ra làm quan Tu sử khoảng một năm. Sau Hàn Thác Trụ chống Kim thất bại, ông buồn bã trở lại quê sống cho đến hết đời.

Mất cùng mối sầu vong quốc

Ngày 29 tháng 12 năm 1210, đời vua Tống Ninh Tông (ở ngôi: 1195-1224), Lục Du mất, thọ 85 tuổi, "mang theo mối hận không được nhìn thấy đất nước được thu hồi" [2].